Tham gia đoàn thực tế có các đồng chí trong BTV Đảng ủy, lãnh đạo HĐND, UBND Thị trấn; thường trực MTTQ Việt Nam Thị trấn; trưởng, phó các đoàn thể Chính trị - xã hội, các ông, bà là đại biểu HĐND; các đồng chí công chức, cán bộ bán chuyên trách; Bí thư chi bộ, tổ trưởng 5 TDP trên địa bàn.
Trước khi thăm quan tòa nhà Quốc hội, đoàn đã dâng hương và tham quan di tích Hoàng Thành Thăng Long. Đây là quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long – Hà Nội. Công trình kiến trúc đồ sộ này được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử và trở thành di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích Việt Nam.
Đoàn dâng hương tại nơi thờ 52 vị vua tại di tích Hoàng Thành Thăng Long.
Tháng 12/2002, các chuyên gia đã tiến hành khai quật trên tổng diện tích 19.000m2 tại trung tâm chính trị Ba Đình – Hà Nội. Cuộc khai quật khảo cổ học lớn nhất Việt Nam và của cả Đông Nam Á này đã phát lộ những dấu vết của Hoàng thành Thăng Long trong tiến trình lịch sử trải dài 13 thế kỷ với các di tích và tầng văn hóa chồng xếp lên nhau. Những dấu vết kiến trúc độc đáo cùng hàng triệu hiện vật quý giá đã phần nào tái hiện lại quá trình lịch sử trải dài từ thời kỳ Bắc thuộc dưới ách đô hộ của nhà Tùy và nhà Đường (thế kỷ VII đến thế kỷ IX), xuyên suốt các triều đại: Lý, Trần, Lê, Mạc và Nguyễn (1010-1945).
Sau dâng hương, đoàn chụp ảnh lưu niệm tại nơi thờ 52 vị vua tại di tích Hoàng Thành Thăng Long.
Ngày 1/8/2010, Ủy ban di sản thế giới đã thông qua Nghị quyết công nhận khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội là Di sản Văn hóa thế giới. Đây là niềm tự hào của không chỉ của riêng Hà Nội mà còn của cả đất nước Việt Nam.
Nằm trong Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Đoàn cũng đã được tham quan khu di tích nhà và hầm D67. Đây chính là căn cứ cách mạng "tuyệt mật", là trung tâm của Tổng hành dinh, cơ quan đầu não - nơi đã diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương. Tại đây đã đưa ra nhiều quyết định lịch sử có tính chiến lược trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong nhà D67 có: Phòng họp của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương; Phòng làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp; Phòng làm việc của Đại tướng Văn Tiến Dũng.
Đ/c Nguyễn Văn Vinh - PBT Đảng ủy chăm chú nhìn di vật tại phòng họp của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương.
Đoàn tham quan phòng họp của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương.
Nơi làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà D67.
Bàn làm việc của Đại tướng Văn Tiến Dũng
Bộ quân phục được đại tướng Văn Tiến Dũng sử dụng lúc sinh thời.
Từ nhà D67 có hai cầu thang nối thẳng xuống hầm D67 (hay còn gọi là hầm Quân ủy Trung ương). Đây là một trong những căn cứ cách mạng “tuyệt mật” nằm sâu trong lòng đất, nằm ở độ sâu khoảng 9m so với mặt đất, là địa điểm bí mật tuyệt đối. Đây là nơi họp của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương vào những thời điểm ác liệt khi máy bay Mỹ đánh phá Hà Nội.
Phòng họp dưới hầm D67 có hình chữ nhật toàn khối, dài 9,150m; rộng 3,88m; tường dày 0,47m bằng bê tông cốt thép mác cao.
Sau đó, đoàn thăm quan tòa nhà Quốc hội Việt Nam. Tại đây, các thành viên trong đoàn đã hiểu rõ hơn về lịch sử hình thành và phát triển của Quốc hội Việt Nam cũng như truyền thống của Quốc hội qua các giai đoạn phát triển. Nhà Quốc hội Việt Nam là nơi diễn ra các phiên họp quan trọng của Quốc hội, đồng thời mang ý nghĩa văn hóa và lịch sử sâu sắc. Với tổng chi phí đầu tư hơn 5.500 tỷ đồng, Nhà Quốc hội được khởi công xây dựng vào tháng 10 năm 2009, và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 10 năm 2014.
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại phòng Thăng Long - tầng 1 tòa nhà Quốc hội.
Nhà Quốc hội Việt Nam có kích thước mặt bằng 102m x 102m, chiều cao 39m, bao gồm 5 tầng nổi và 2 tầng hầm. Nơi đây hội tụ tất cả những tinh hoa kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, đánh dấu cho sự phát triển mạnh mẽ của nền công nghiệp đang lớn nhanh, trở thành niềm tự hào của người dân Việt Nam với bạn bè quốc tế. Ngoài ra, không gian bên trong được bài trí tinh tế, phản ánh một nền văn hóa và lịch sử lâu đời của dân tộc ta.
Trước cửa Nhà Quốc hội.
Nhà Quốc hội Việt Nam có 8 phòng chức năng: Phòng họp Diên Hồng, phòng Tân Trào, phòng Thăng Long, phòng họp Đoàn đại biểu Quốc hội, trung tâm báo chí, Bảo tàng Quốc hội, thư viện Quốc hội và phòng trưng bày di vật khảo cổ dưới lòng đất. Phòng Diên Hồng là phòng họp chính của Nhà Quốc hội, nơi tổ chức các phiên họp toàn thể để bàn thảo và quyết định các vấn đề lớn của đất nước.
Đồng chí Trần Văn Luật - PCT UBND Thị trấn Quốc Oai tham quan mô hình tòa nhà Quốc hội.
Buổi chiều, đoàn tiếp tục lịch trình thăm quan thực tế tại Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam.
Đây là dịp để cán bộ, công chức thị trấn Quốc Oai được hiểu hơn về quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, cùng cả nước hướng tới đại lễ kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).